LangUuDiem.Com

Lịch sử chùa Ưu Điềm

Chùa Ưu Điềm còn có tên là Ưu Đàm. Chùa toạ lạc tại làng Ưu Điềm, xã Phong Hoà, huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Chùa sách trung tâm thành phố Huế khoảng 40km về hướng Bắc. Tên chùa Ưu Đàm xuất phát từ tên loài hoa Ưu Đàm Bát La. Đây là một loài hoa quý hiếm, tương truyền 3000 năm mới xuất hiện một lần. Hoa xuất hiện thì kim luân vương xuất hiện, Phật xuất thế. Ngoài tên chữ của chùa là Ưu Đàm, chùa còn có tên dân gian là chùa Bà Lồi, hay chùa Lồi. Giải thích về những tên dân gian này, các truyền thuyết dân làng kể lại đều có nguồn gốc từ một sự tích của pho tượng Bà Lồi, tức tượng nữ thần XiKa: xuất phát từ câu chuyện tượng Bà Lồi nên chùa còn được dân gian gọi là chùa Bà Lồi, hàng năm vào mùa lũ lụt, con dân trong làng đều tập trung lên chùa để tránh lụt, họ phát hiện chùa chưa hề bị nước ngập và hình như nước càng lên thì chùa cũng nổi theo, nên từ đó chùa còn được gọi là chùa Lồi…

Chùa quay mặt về hướng chính Nam, trước mặt là cánh đồng lúa, sau lưng là sông Ô Lâu. Chùa có từ lâu đời. Theo dân làng kể lại thì vào khoảng thế kỷ thứ 16, khi chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp, để bình định và vỗ an dân chúng, hầu hết các làng xã đồng loạt xây chùa dựng tượng để con dân sinh hoạt tín ngưỡng, ổn định tinh thần mà chăm lo làm ăn, chùa Ưu Đàm cũng ra đời trong thời điểm đó.

Nhưng theo sách Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An hiệu đính năm 1555, trong chương Phong tục có nhắc đến chùa Ưu Đàm một câu là: Am Ưu Đàm nở nhiều hoa Bát La. Điều này có thể chứng minh cho việc chắc chắn chùa đã phải có trước thời các chúa Nguyễn vào Nam lập nghiệp.

Kiến trúc – Di vật

 

Trải qua thời gian chiến tranh, chùa được tu sửa nhiều lần. Theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí mục chùa quán thì đến năm Minh Mạng thứ 2, Tân Tỵ (1821) chùa được nhà vua ban chiếu, cấp bổng lộc để trùng tu. Năm 1954, chùa lại bị bom đạn làm hư hại và xuống cấp, dân làng đã góp công góp của xây dựng lại bằng bê tông cốt thép theo mô hình kiến trúc kiểu chữ Công gồm tiền đường, chánh điện và hậu liêu.

Trong những năm trở lại đây, mặc dầu chùa không đại trùng tu, nhưng chùa cũng đã chỉnh trang, sửa chữa cũng như đã làm mới rất nhiều hạng mục. Những công trình có giá trị như Tiền đường, chánh điện, cổng tam quan, Quan Âm các, Đoàn quán Gia đình Phật tử, nhà ở… tất cả đã trở thành một hệ thống kiến trúc kiên cố và khang trang hơn rất nhiều.

Hiện tại chùa vẫn bảo lưu được một số cổ vật, pháp bảo cũng như những di chỉ xưa quý rất có giá trị văn hoá và khảo cổ như bộ tượng Bồ tát Di Lặc và Quán Âm được nắn bằng đất sét nhồi trấu, nồng tre sơn thếp vàng rất đẹp. Đáng chú ý hơn hết là di chỉ Chăm Pa gồm một tượng nữ thần XiKa, bức phù điều vũ nữ cũng như trụ đá Linga… đã gây được sự chú ý và quan tâm của nhiều nhà nghiên cứu. Để bảo quản tốt những di vật này, năm 1995 Ban Hộ tự của chùa đã cho quy tụ và xây dựng tôn trí tượng và các phù điêu, cổ vật trên một ví trí khu đất 50m2 sát bên cạnh chùa, dân làng gọi đó là Am Bà Phật Lồi. Hằng năm, có các đoàn khảo cổ từ cấp trung ương đến cấp tỉnh cũng như các giáo sư tiến sĩ nước ngoài đến tìm hiểu khảo sát.

Tất cả những cổ vật, pháp bảo xưa quý trên của chùa hiện vẫn còn rất nguyên trạng và được bảo quản tốt. Đáng tiếc, tượng nữ thần XiKa đã bị biến dạng qua nhiều “biến cố”. Nguyên tượng được tạc bằng sa thạch, do ý thức bảo quản chưa tốt nên người ta đã cho sơn son thếp vàng. Vì vậy từ những năm 1975 đến 1980 những “đạo tặc” thiếu kiến thức tưởng là bằng vàng thật nên đã đến cưa tay, cưa đầu. May thay, tượng bằng đá nên đám ăn cắp đã bỏ lại, dân làng thỉnh về hàn lại. Mặc dầu vậy, giá trị nguyên bản của pho tượng cũng đã phần nào biến dạng.

Chùa Ưu Đàm ngày nay là một trong những ngôi chùa được xếp vào hạng di tích lịnh sử cấp tỉnh, đồng thời trên bảng đồ du lịch của sở du lịch tỉnh Thừa Thiên – Huế đã có bảng chỉ đường cho khách tham quan tìm đến tham quan và tìm hiểu lịch sử ngôi chùa là nơi chốn linh thiêng nhất của là Ưu Điềm (Đàm).

 

Bình luận nhanh bằng tài khoản Facebook

comments

One thought on “Lịch sử chùa Ưu Điềm

Trả lời hao Hủy

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *