Cảo thơm lần giở trước đèn. Tác giả bài “Quê cha đất tổ” là vô danh mà hữu vị. Bài được đăng trong Học Báo đầu thế kỷ 20. Sách “Tập đọc và thuộc lòng” xuất bản năm 1949 tại phố Hàng Bông – Hà Nội, có đoạn viết để dạy học trò lớp Sơ Đẳng tức lớp 3:
Làng ta có tre rào
Có sông ngòi chuôm ao.
Có đình chùa hội hè sum họp.
Có trường học trẻ con ra vào.
Không nói chi đến chữ “Lễ” mà lạ thay ẩn tàng chuyện lễ nghi, lễ nghĩa, lễ phép tại các nơi linh thiêng và giàu ấn tượng đối với tuổi thơ, tuổi trẻ và kể cả người lớn. Diệu kỳ thật !
Hội hè ở làng được người làng, người xưa đặc biệt quan tâm từ khi lập làng có chùa, có đình, có trường học, có ban gia lễ hay ban ký tế của làng xã, thôn ấp… Lễ là phần hồn: hồn làng vừa hồn nước vì có làng mới có nước, có nước mới làm cho làng thăng hoa trở thành làng văn hiến, làng chiến đấu để chung vai lo việc giữ làng, giữ nước. Truyền thống tri ân tiền nhân con Rồng cháu Tiên được biểu thị, biểu cảm rõ nét trong Hội chùa, vừa là Hội làng mà ngôn ngữ dân gian gọi là Hội lớn, phiên dịch nguồn gốc từ chữ Hán là “Đại hội”. Ngôn ngữ đã chuyển hóa, biến đổi theo dòng chảy thời gian miên man.
Bốn mùa Xuân Hạ Thu Đông, Lễ Phật đản, lễ Vu lan, lễ Thành đạo là ba lễ lớn của làng, của nước. Hội chùa được khai mở ở các làng quê hoặc thôn ấp, phường trại ở vùng sâu vùng xa, chưa lập chùa thì lập am, lập phổ (tiền thân của Khuôn hội) để lo việc tế tự, dẫn thủy nhập điền… Làng lớn gồm nhiều thôn, nhiều giáp, nhiều phe, nhiều xóm, cho nên ở các thôn còn dựng chùa nữa mà.
Dư âm về Hội chùa, Hội làng vào ngày Phật đản còn để lại trong lời tán ca vào thời chấn hưng Phật giáo: “Ngày mồng 8 tháng Tư về đây…”. Ngày ấy, trẻ con vui mừng được theo Bà, theo Mẹ lên chùa lễ Phật. Sung sướng nhất là được “ăn cỗ lợt”, được xem thả cá, thả chim, được uống giếng chùa trong lành mát lạnh…
Chùa là trường học, trường dạy chữ Hán. Từ buổi lập quốc nhà chùa đã nhận lãnh vai trò và trọng trách này trước quốc dân. Đương nhiên chùa nước, chùa quan, chùa công, chùa làng…đều có chung một thời điểm lịch sử hoặc sai dịch trước sau một vài năm là cùng.
Hơn 700 năm hình thành xứ Thuận Hóa, chùa làng, chùa nước song hành đảm nhiệm chức năng và vai trò trọng yếu trong việc giữ làng, giữ nước và kể cà việc mở cõi nữa bằng con đường thanh bình.
Ai đâu lại xem thường bề dày và vai trò của các ngôi chùa làng thuở ban đầu như chùa Giác Lương ở làng Hiền Lương, huyện Phong Điền; chùa Sơn Tùng, chùa Bác Vọng…, chùa Phước Yên ở huyện Quảng Điền, chùa Rau Câu ở làng Nghi Giang huyện Phú Lộc, chùa Giác Thế ở làng Lại Thế huyện Phú Vang, chùa; chùa Khánh Vân ở làng Lựu Bảo, chùa La Chữ ở làng La Chữ huyện Hương Trà; chùa Phú Bài, chùa Dạ Lê ở huyện Hương Thủy. Kể không hết được.
Làng bao nhiêu tuổi thì Đình và Chùa có tuổi thọ lâu đời, lâu kiếp chẳng kém mấy vài năm. Có an cư mới lạc nghiệp, có lạc nghiệp mới an cư. “Đất vua, chùa Làng, phong cảnh Bụt”, và dòng sử Việt cũng là dòng sử Việt. Đất nào mà chẳng là đất vua, theo nhận thức của người xưa. Đất vua có chùa vua, thậm chí trong nội cung có chùa Ni. Tiếng chuông chùa ngân lên, vang xa xóa dần sự phân biệt các loại chùa công, chùa quan, chùa vua, chùa làng, chùa phủ đệ, chùa tư…Các loại chùa đều chung biểu thị một phong cảnh bụt dễ thương, giàu ấn tượng tâm linh. Chùa không những dành cho người sống mà còn cho những người chết. Tuyệt nhiên, không có dị nghị, không có phân biệt.
Có thể nêu vài dẫn chứng làm sáng tỏ lấy từ sách Ô Châu Cận Lục viết năm 1553 đời Lê – Mạc: chốn danh lam cỏ hoa man mác (tr. 56, bản dịch Bùi Lương), am Ưu Điềm nở hoa Ưu Bát, chùa Mộc Linh mang tiếng mộc ngư (tr.62), Đường Lang dăm lang cổ tự, sư già ở lẫn khói mây (cùng trang ấy)…Còn vô số, vô số tình tiết nói lên tình đời – tình đạo hòa quyện làm một và thật ấm áp. Chùa quan, chùa công, quốc tự, sắc tứ quốc tự vẫn còn chùa làng, bởi vì cửa chùa không còn cửa quan, mà rộng mở dành cho dân làng lên chùa lễ Phật. Vì vậy khi vua chúa ban cho Chùa biển hiệu không bao giờ ghi chữ “Quốc” đi trước chữ “Tự”. Tìm về ý nghĩa chữ “Tự” mới thấy trong từ thiêng liêng ấy đã ký thác hồn nước, tình làng ở hai chốn “làng – nước” như một “đại triều đình với một tiểu triều đình”. Quân xâm lược phá làng, phá nước. Nước mất nhà tan thì đình cũng hỏng. Đó là cái thời giặc Nguyên, giặc Minh, giặc Pháp cướp nước, núp dưới các chiêu bài thâm hiểm và dã man. Vì sao? Danh thần Đào Duy Từ đã từng viết trong Tư Dũng Vãn: Phật đình nào khác vương đình. Chùa còn là “đình”, “Hồng Lô tự” mà.
Có dân thì có làng, tạo thành nước. Giếng chùa, ruộng chùa, nương chùa, xóm chùa, rú chùa, bến chùa còn đó, đất nước còn đây. Ngôi chùa nhất là chùa làng gắn liền với chuyện sinh – tử của đời người và cả con cháu đời sau. Ngôi chùa tâm linh như có sẵn trong huyết quản, trong tâm thức, trong chủng tử, trong ký ứcc ủa nhiều kiếp người. Chúa Nguyễn Phúc Chu, vua Minh Mạng đã từng hoát ngộ và trực nhận được kiếp trước mình là Tăng sĩ mới tôn tạo chùa Thiên Mụ và nhiều chùa khác ở Thuận – Quảng; xây hai quốc tự ơ trong kinh thành Huế là Giác Hoàng và Linh Hựu và tôn tạo các chùa lớn, chùa cổ từ Nam chí Bắc, không để cảnh tượng tồn tại và tồn lưu trong nếp sống của thần dân, con đen dân đỏ. Danh thần Phan Huy Ích nhân chứng thời binh hỏa, nhà nghiên cứu Trịnh Quang Vũ đã viết trong sách “Lược sử Mỹ thuật Việt Nam” trang 227:
Am xưa nay biến tế đàn
Chùa xưa thờ phật nay toàn để xe
(Phan Huy Ích)
Hình ảnh “Ngôi chùa” như đã cảnh tỉnh nhân tâm thế đạo như Hòa thượng Mãn Giác đã cảm tác: “Mái chùa che chở hồn dân tộc – Nếp sống muôn đời của tổ tông”.
Vai trò của Làng, chùa thôn là như thế. Có chùa cổ xinh xinh, nhưng có Phật vàng sáng ngời hào quang chiếu rạng.